Vấn đề mua nhà Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Năm 2007, công ty Phú Mỹ Hưng hợp tác với 9 ngân hàng lớn hoạt động trong nước cho khách hàng mua nhà vay vốn trả góp với thời hạn từ 20 đến 30 năm. Đây là chương trình cho vay trả góp có thời hạn dài nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này.[10]

Để giảm thiểu tình trạng đầu cơ mua căn hộ và phục vụ cho những khách hàng có nhu cầu thực sự, công ty tiến hành thực hiện quy trình bốc thăm mua nhà, quy định mỗi khách hàng chỉ được quyền mua 1 căn nhà và chỉ được chuyển nhượng lại khi đã hoàn thành thủ tục nhận nhà.[11] Tuy nhiên, thời gian sau đổi mới quy định này, việc ồ ạt chen lấn mua nhà vẫn diễn ra. Ngày 24/10/2007, đám đông lên đến ngàn người đổ dần từ 3 sáng chen chúc trước trụ sở ngân hàng Indovina, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để xếp hàng nộp tiền ký quỹ mua căn hộ dự án Sky garden, mặc dù 8 giờ ngân hàng mới làm việc. Đến khoảng 9 giờ sáng, ngân hàng Indovina thông báo xin lỗi và đóng cửa, dừng mọi giao dịch để thương thuyết lại cách thức đăng ký mua căn hộ với công ty Phú Mỹ Hưng. Lực lượng công an cũng được yêu cầu đến để hỗ trợ giữ trật tự đám đông quá khích. Trong những người chen lấn có cả người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và người nước ngoài.[12]

Vụ kiện 2009

Năm 2009, cư dân ở các khu dự án đô thị ở Phú Mỹ Hưng cho rằng có sự mập mờ giữa các khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán nhà: thay vì để các điều khoản về tiền sử dụng đất ở phần các khoản phải thanh toán, phía công ty đã chia nhỏ và đưa vào phần phụ lục trong hợp đồng. Ngoài ra, công ty Phú Mỹ Hưng bị yêu cầu chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ làm thủ tục cấp sổ đỏ, dẫn đến việc tiền sử dụng đất tăng lên gấp nhiều lần cho những người mua nhà trước đó,[13] số tiền này được cho là gần tương đương với mua nhà đất mới.[14] Quan điểm của chủ đầu tư ở thời điểm đó là "trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất theo luật pháp về đất đai từ trước đến nay luôn thuộc về người được giao đất, tức bên mua". Sau những nỗ lực thương lượng không thành công và bị từ chối tiếp xúc, ngày 5 tháng 11 năm 2009, 695 cư dân đang sinh sống tại khu đô thị chính thức gởi khiếu kiện chủ đầu tư lên đồng thời cho Văn phòng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và các cấp chính quyền cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.[15] Ngày 2 tháng 2 năm 2010, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ ban hành văn bản đề ra những quy định, trong đó pháp luật yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất, người mua nhà được quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định và không phải nộp các khoản chênh lệch nào khác.[14]

Theo giới chuyên gia Việt Nam nhận xét, "phần giá trị gia tăng thêm trên đất sau thuế từ đất phi nông nghiệp là đầm lầy thành đất phi nông nghiệp đầy đủ hạ tầng do nhà đầu tư tạo nên phải thuộc lợi nhuận của nhà đầu tư", "nhà đầu tư tự nói rằng họ có quyền sử dụng đất là nói đúng vì họ được Nhà nước cho thuê đất, tức là họ có quyền sử dụng đất thuê, không nên nhầm lẫn khái niệm về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật nước ta", đồng thời đưa ra một số giải pháp cho đôi bên. Vấn đề này có liên quan đến sự công bằng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/1608... http://khamphavn.com/vie-khu-kenh-dao-phu-my-hung-... http://nhabanq7.com/index.php?option=com_content&v... http://www.cityhome.com.vn/Dac-diem-khu-dan-cu_141... http://dantri.com.vn/c20/s20-419412/sap-cong-trinh... http://dantri.com.vn/c36/s20-398085/phu-my-hung-kh... http://dddn.com.vn/20100422092251755cat82/khanh-th... http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Cty-Phu-My-Hung-phai... http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20100128/hoi-hoa... http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200724/1966...